Fox News cho biết, tiến sĩ Melba S. Ketchum, một chuyên gia của tổ chức DNA Diagnostics tại thành phố Nacogdoches, bang Texas, đã nghiên cứu về dã nhân chân to (hay người tuyết) trong hơn 30 năm qua. Mới đây Ketchum tuyên bố rằng, trong 5 năm qua bà và nhiều đồng nghiệp đã phân tích và so sánh DNA trong 20 mẫu lông, máu, nước tiểu, nước bọt của những động vật mà người ta nghi là dã nhân chân to.
Trình tự gene trong DNA của các mẫu lông cho thấy, DNA ty thể của dã nhân chân to và của người giống hệt nhau, song những DNA trong nhân của nhiễm sắc thể lại chứa cả gene của người hiện đại lẫn gene của một loài linh trưởng mà giới khoa học chưa từng biết.
Do DNA ty thể chỉ truyền từ mẹ sang con nên rất có thể dã nhân chân to là một loài có quan hệ họ hàng với người. Những con đực thuộc một loài linh trưởng nào đó đã giao phối với phụ nữ thuộc loài người từ 15.000 năm trước và sinh ra dã nhân chân to.
"Bản thân tôi không tin dã nhân chân to tồn tại. Nhưng tôi đã phân tích DNA của rất nhiều mẫu lông trong phòng thí nghiệm. Mãi tới 5 năm trước chúng tôi mới bắt đầu nghĩ rằng chúng là một loài riêng biệt. Tổ tiên của chúng không phải là một loài linh trưởng cỡ lớn. Theo suy đoán của tôi, dã nhân chân to đã tách thành một loài riêng biệt và tiến hóa song song với tổ tiên của chúng", Ketchum phát biểu.
Nhiều nhà khoa học hoài nghi kết quả nghiên cứu của Ketchum và các đồng nghiệp. Benjamin Radford, phó tổng biên tập tạp chí Skeptical Inquirer là một người trong số họ. Ông cho rằng các DNA của người hiện đại đã lẫn vào mẫu vật.
"Có lẽ những người sưu tầm lông, máu, nước bọt, nước tiểu của dã nhân đã vô tình để lại DNA của họ trên mẫu vật. Vì thế mà nhóm của Ketchum mới thấy vật chất di truyền của người trong quá trình phân tích DNA", Radford lập luận.
Nhưng Ketchum khẳng định các mẫu vật đều sạch sẽ trước khi bà và các cộng sự phân tích.
"Chúng tôi tách DNA từ mẫu vật bằng cả tay và máy, đồng thời phân tích nhiều lần để đảm bảo rằng chúng không nhiễm tạp chất", bà nói.