Nguyễn Thị Nụ là chị cả trong gia đình nông dân nghèo có ba chị em gái ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Năm 21 tuổi, Nụ được anh Hùng cùng xã để ý, rồi tiến tới hôn nhân. Cô gái và gia đình suy nghĩ đơn giản rằng đều là người làng cả, có đâu xa mà phải tìm hiểu kỹ. Năm đó Nụ cũng đã ngoài đôi mươi, nhà nghèo, chẳng được xinh đẹp sắc sảo nên đâu có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Sau đám cưới đơn giản, Nụ về chung sống cùng đại gia đình nhà chồng. Về làm dâu nhà Hùng dù không được khéo léo, chỉn chu nhưng nhờ gia đình chồng bao dung, nên cuộc sống của cô cũng êm ấm thuận hòa. Không lâu sau chồng cô rời gia đình để đi làm ăn xa.
|
Bị cáo Nụ tại phiên xử. |
Trong nỗi buồn, Nụ tự an ủi, chồng đi làm sẽ có thêm đồng ra đồng vào, kiếm tiền nuôi con nhỏ sau này. Tuy nhiên thực tế, chồng Nụ chẳng có tiền mang về giúp vợ, thậm chí đóng góp tiền ăn cũng không có.
Cưới năm trước, năm sau Nụ sinh con trai đầu lòng đặt tên là Đức (nạn nhân bị sát hại trong vụ án). Sinh được cho nhà chồng quý tử nhưng Nụ chẳng được chiều chuộng, nâng niu như người ta thường nói. Thậm chí, suốt thời gian cô mang thai Hùng chỉ đảo qua nhà vài bận. Đến khi vợ vượt cạn, anh chồng lấy lý do “bận công việc” cũng chẳng về.
Nhà chồng Nụ khá giả nhưng nếp sống giản dị và tiết kiệm. Do không có tiền tích cóp lên khi "nằm ổ", Nụ chẳng được chăm sóc, bồi dưỡng như những sản phụ khác.
Từ khi sinh con, Nụ chỉ được “bồi dưỡng” vỏn vẹn có bốn bữa cơm có thịt. Thiếu dinh dưỡng nên hai mẹ con đều gầy ốm. Trong khi đó, nhà Nụ nghèo nên thi thoảng, mẹ đẻ chỉ chạy qua thăm cho con được chục trứng gà bồi dưỡng. Do thiếu sữa, đứa con quấy khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm.
Cũng trong thời gian này, vợ chồng Nụ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn cãi vã. Theo Nụ trình bày thì ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, lý do chính là do Hùng ít quan tâm đến vợ.
Từ khi sinh nở, khoảng cách giữa vợ chồng Nụ càng xa hơn. Nụ tâm sự với luật sư của mình, nhiều đêm, sau khi dỗ cho con say giấc, cô khẽ đặt tay lên người chồng nhưng bị anh hất tay ra để ngủ. Ngoài ra, Nụ còn thấy chồng thường nhắn tin gọi điện cho ai đó mà cô ta nghi ngờ là quan hệ ngoài luồng. Mặc dù đã căn vặn nhưng chồng cô chỉ ậm ừ, không giải thích rõ ràng.
Đêm 18/11/2009, bé Đức khát sữa quấy khóc, Nụ không có sữa cho con bú nên bế con đặt cạnh chồng để anh ta dỗ nhưng Hùng mặc kệ đứa con khóc ngằn ngặt, nằm quay mặt vào tường ngủ tiếp. Thấy chồng chẳng thương xót gì đến con trai cũng chẳng quan tâm đến thái độ u uất của vợ khiến Nụ đinh ninh rằng chồng mình đã có người đàn bà khác.
Đêm đó, dỗ cho con ngủ xong, Nụ nằm khóc một mình. Trong trạng thái tinh thần quẫn bách, mờ sáng hôm sau Nụ đã bế con thả xuống giếng, sau đó lu loa lên rằng cháu bé bị kẻ trộm vào tận giường bắt cóc. Khi người nhà dậy múc nước ở giếng khơi mới kinh hoàng thấy cháu bé nổi lập lờ dưới giếng trước trước sân nhà.
Hơn nửa năm sau khi xảy ra vụ án, Nụ bị TAND Hà Nội đưa ra xét xử. Bị cáo bị tuyên ở cấp sơ thẩm 12 năm về tội Giết người.
Trong lời bào chữa của mình, luật sư Mai đã trình bày những căn cứ nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ, và quan trọng hơn khơi dậy lòng cảm thông sự bao dung để dư luận có cái nhìn công bằng và nhân văn hơn với bị cáo. Luật sư nhấn mạnh những thiếu thốn về vật chất không đáng sợ bằng sự cô đơn, thiếu thốn về tình cảm.
Nữ luật sư được chỉ định cho rằng khi sinh con, Nụ chỉ được 4 lần ăn cơm có thịt, không có sữa cho con bú nên cháu bé quấy khóc ngằn ngặt. Tình cảnh này khiến cô rơi vào cảm giác trống rỗng, tuyệt vọng dẫn đến mắc căn bệnh trầm cảm sau sinh. Y học đã chứng minh biểu hiện của căn bệnh này là người mắc phải thường nảy sinh những ý nghĩ ám ảnh có liên quan đến bạo lực, hoặc xuất hiện ảo giác. Ở những trường hợp bệnh nặng, người mẹ có thể có ý nghĩ giết hại đứa trẻ, và cố tìm cách thực hiện suy nghĩ này. Nụ gây án trong trường hợp như vậy.
Từng tham gia nhiều phiên tòa nhưng luật sư Mai cho biết chưa thấy vụ án nào lại đau xót, ám ảnh đến như vậy. Khi Nụ ngã quỵ trước vành móng ngựa vì bị tuyên án 12 năm tù, người chồng đã tiến đến hỏi tòa án về thủ tục để được ly hôn.
"Chứng kiến cảnh đó tôi đã rơi lệ vì chua xót. Nụ là hung thủ của vụ án, nhưng xét ở góc độ khác, cô đồng thời là một nạn nhân của cái nghèo, nạn nhân của thói lạnh lùng vô cảm của chính những người thân yêu nhất trong gia đình", luật sư nhìn nhận.